Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Chiều ngày 13/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự
điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ
sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là bước tiếp theo quan trọng trong
quy trình lập hiến, sau khi Dự thảo đã được lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân,
các chuyên gia, nhà khoa học, và được Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên
cứu, tiếp thu, hoàn thiện.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ sự
đồng tình và nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến
pháp, nhằm thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng và các văn kiện Trung ương
liên quan đến đổi mới mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, phân cấp, phân quyền,
cải cách tư pháp, và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành tại phiên họp
Các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung như: về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính
trị - xã hội; về Công đoàn Việt Nam; về quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh
của các tổ chức chính trị - xã hội ; về tổ chức đơn vị hành chính; về chính
quyền địa phương và cấp chính quyền địa phương; về quyền chất vấn của đại biểu
Hội đồng nhân dân; về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo
luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Trước đó tại phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo
Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát
triển thành phố Hải Phòng.
Qua thảo luận, các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành
Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát
triển thành phố Hải Phòng để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát
triển thành phố Hải Phòng, tạo cơ chế đột phá đủ mạnh về tài chính ngân sách,
đất đai, các cơ chế, chính sách để khơi thông các nguồn lực, đảm bảo cho Hải
Phòng phát triển đạt được mục tiêu theo Nghị quyết số 45-NQ/TW, Kết luận số
96-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng thời khơi thông các điểm “nghẽn”, có sức lan
tỏa lớn trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào mục tiêu tăng
trưởng cao trong giai đoạn 2026 - 2030 của cả nước.
Cũng tại phiên họp buổi sáng, dưới sự chủ trì của Phó Chủ
tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã thảo luận về dự kiến Chương trình
giám sát của Quốc hội năm 2026.
Vũ Đăng Dương
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh