Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 17/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội
Vũ Hồng Thanh, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Doanh nghiệp, với 455/457 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán
thành, đạt 99,6%.
Tiếp
đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá
trị gia tăng, với 452/453 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, đạt
99,7%.
Cũng
trong phiên họp buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên
thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.
Phát
biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Thái Bình đánh giá nhân lực ngành y tế là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc
cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe
toàn dân và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe.
Tuy nhiên, thực trạng đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam hiện còn bộc lộ nhiều
bất cập: số lượng các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe tăng nhanh trong khi chất
lượng đào tạo chưa thực sự đảm bảo theo quy định; việc đánh giá sinh viên nặng
về kiến thức thay vì năng lực, kỹ năng thực hành; trong lĩnh vực cấp chứng chỉ
hành nghề thì chưa có cơ chế rõ ràng để kiểm soát chất lượng; số lượng bệnh viện
dành cho sinh viên, học viên thực tập hầu như không tăng; chương trình đào tạo
của nhiều cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được
tiêu chuẩn năng lực hành nghề;… Đại biểu kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và
Đào tạo, Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo một số vấn đề như: Dành nguồn lực đầu tư nâng
cấp các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, nâng cao chất lượng giảng viên, tập trung
đầu tư một số trường đại học và cao đẳng trọng điểm, đóng vai trò hạt nhân,
nòng cốt trong mạng lưới cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; quy định và kiểm
soát chặt chẽ việc mở ngành đào tạo và thực hiện đúng lộ trình đánh giá năng lực
hành nghề;…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu thảo luận
Góp
ý nội dung liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết 68 về thúc đẩy phát
triển kinh tế tư nhân, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái
Bình đánh giá các Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 198 của Quốc hội,
Nghị quyết 139 của Chính phủ về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 198 đã
được cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi và đặt một kỳ vọng rất cao vào việc tổ
chức triển khai. Đại biểu cho rằng nhiệm vụ quan trọng vẫn phải là cải cách thể
chế đồng thời là thực hiện đầy đủ tinh thần mạnh mẽ, kịp thời các giải pháp đã
nêu ra. Đại biểu đề nghị tiến hành rà soát tổng thể các văn bản, đặc biệt gồm các
công văn, chỉ thị đã được ban hành từ trước đến nay; nếu gây cản trở, khó khăn,
vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì bãi bỏ một cách công khai,
minh bạch để tất cả các địa phương, các nơi và doanh nghiệp thực hiện một cách
thật đầy đủ; đề nghị thành lập tổ chuyên gia để rà soát độc lập mang tính chất
hệ thống toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật, tiến tới nghiên cứu thành lập
một ủy ban cải cách thể chế, một mô hình rất phổ biến ở nhiều quốc gia, như Hàn
Quốc, Mỹ, Anh Úc,…

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu
Vũ Đăng Dương
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh