Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng ngày 16/6, dưới sự
điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã biểu quyết thông
qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh
giá phiên họp sáng nay đánh dấu cột mốc lịch sử của đất nước khi Quốc hội thông
qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Trong thời
gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm,
việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến Pháp đã trở thành đợt sinh hoạt
chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần làm chủ, phát huy trí tuệ tập thể, trách
nhiệm và lòng yêu nước của mọi tầng lớp Nhân dân. Việc sửa đổi, bổ sung một số
điều của Hiến pháp đã đảm bảo các trình tự, thủ tục theo quy định, đảm bảo yêu
cầu về tiến độ, đa dạng hóa các hình thức để Nhân dân đóng góp ý kiến, phát huy
dân chủ thực chất. Riêng tại diễn đàn Quốc hội, dự thảo nghị quyết đã được các
vị đại biểu Quốc hội thảo luận tổ và 3 lần thảo luận tại hội trường, thể hiện
sự thận trọng, nghiêm túc, cầu thị và trách nhiệm của Quốc hội nói chung và mỗi
vị đại biểu Quốc hội nói riêng, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện chính kiến
của mình trong thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước.
Với kết quả biểu quyết 470/470 đại biểu, chiếm tuyệt đại đa
số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ
sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo
quy trình, Chủ tịch nước ký lệnh công bố Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số
điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tổ chức họp báo vào
buổi chiều công bố lệnh của Chủ tịch nước để thông tin rộng rãi đến đông đảo cử
tri và Nhân dân cả nước.
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền
địa phương (sửa đổi). Kết quả biểu quyết, có 466/466 đại biểu tham gia biểu
quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 100%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành tại phiên họp ngày 16.6
Luật Tổ chức chính quyền địa phương được thông qua gồm 7
chương, 54 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày được thông qua. Nội dung của
Luật thể hiện tư duy đổi mới nhằm hướng đến quản trị địa phương hiện đại, kiến
tạo phát triển, tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực đáp ứng mục tiêu
tăng trưởng nhanh, bền vững của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung
trong kỷ nguyên mới của đất nước. Việc xây dựng Luật này còn mang ý nghĩa lịch
sử rất lớn, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho tổ chức, hoạt động của chính
quyền địa phương theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp lần đầu tiên được
tổ chức ở nước ta.
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 03 dự án Luật: Luật Nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Quảng cáo. Cũng trong chương trình làm việc phiên buổi
sáng, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của
Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông,
người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống
giáo dục quốc dân và Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho
trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó
Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật tham
gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tiếp đó, các vị đại biểu Quốc
hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đường sắt
(sửa đổi) và chủ trương đầu tư Dự án
đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
Vũ Đăng Dương
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh